Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng ta không nhỏ khi có những khát vọng lớn”

Sáng ngày 9/4/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghệ CMC đã tổ chức lễ ra mắt Hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp và tổ chức C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise).Tham dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, lãnh đạo các Bộ ngành, Hiệp hội, hơn 20 đối tác công nghệ quốc tế (Microsoft, IBM, TIME dotcom, Dell EMC, SAP, HPE, Fujitsu, Salesforce, Red Hat, China Mobile, PwC…) và gần 400 đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ra mắt Hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp và tổ chức C.OPE2N
 
Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong năm 2019 Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số. Do vậy, chúng ta cần một hạ tầng mới cho nền kinh tế số, bao gồm hạ tầng viễn thông theo định nghĩa truyền thống và hạ tầng dữ liệu. Và C.OPE2N của CMC là một hạ tầng như vậy, Bộ trưởng đánh giá. Người đứng đầu ngành TT&TT khuyến khích sẽ có nhiều các doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng kinh tế số bởi hạ tầng luôn phải đi trước một bước.
 
Đứng ở vị trí trung tâm của chuyển đổi số chính là chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Việt Nam hiện có trên 700 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nếu tính cả các hộ kinh doanh thì có tới trên 6 triệu các chủ thể thị trường. 
 
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số cho 6 triệu chủ thể này không có cách nào khác là phải dựa trên nền tảng đám mây. Do đó chúng ta sẽ phải cần đến hàng chục ngàn doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
 
Bộ trưởng đánh giá cao việc làm của CMC với vai trò là nhà cung cấp hạ tầng đám mây và dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT nhận định, lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang đi đầu ASEAN về chuyển vùng ASEAN về một giá cước, về 5G, hình thành ASEAN Hub về an ninh mạng, hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để xây dựng Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam, trao học bổng ICT cho  sinh viên các nước ASEAN đến Việt Nam học tập.
 
Lễ ra mắt C.OPE2N của CMC hôm nay là những bước đi đầu tiên nhưng mạnh mẽ để đưa Việt Nam thành Hub về kết nối và lưu trữ, xử lý dữ liệu của khu vực. Chúng ta sẽ không nhỏ khi có những khát vọng lớn. Muốn tập trung nhân tài, muốn đi xa, muốn tăng trưởng gấp đôi để trở thành doanh nghiệp tỷ đô la trong vòng 5 năm, muốn trở thành doanh nghiệp công nghệ toàn cầu thì đầu tiên phải là một giấc mơ lớn. CMC là doanh nghiệp có một ước mơ như vậy, Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng. 
 
Bộ trưởng chúc CMC với khát vọng chinh phục thế giới số sẽ không ngừng lớn mạnh, làm chủ công nghệ, phát triển giải pháp và ứng dụng Việt Nam, giải bài toán và vấn đề Việt Nam và đi ra toàn cầu; CMC cũng là động lực khích lệ về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Vì vậy, Bộ trưởng cũng mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa có khát vọng toàn cầu. ICT là nền tảng thúc đẩy các ngành khác phát triển và đổi mới sáng tạo, nhất là về áp dụng công nghệ số. Bởi vậy, các doanh nghiệp ICT phải luôn đi đầu.
 
Bộ trưởng hoan nghênh các doanh nghiệp công nghệ đến Việt Nam, đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Việt Nam không chỉ là thị trường cho các doanh nghiệp mà còn là đối tác phát triển công nghệ của các doanh nghiệp, bởi Việt Nam là một thị trường năng động, có nguồn nhân lực ICT rất tốt. Hệ sinh thái mở CMC tập trung được các công nghệ và đối tác hàng đầu sẽ luôn là một lợi thế, góp phần thúc đẩy nhanh một Việt Nam số.
 

Hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp và tổ chức C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise) - một hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng Multi-Cloud, nền tảng dữ liệu (Data Lake), AI (trí tuệ nhân tạo) và nền tảng ứng dụng.

Hệ sinh thái C.OPE2N là thành quả của sáng tạo đổi mới trong công nghệ của CMC, cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số. 

Kiến trúc của C.OPE2N bao gồm 5 tầng và 2 module có mối quan hệ tương hỗ và mật thiết với nhau. Các tầng cấu trúc nền tảng gồm: Cloud – IaaS (đám mây CMC cung cấp hạ tầng như dịch vụ), tầng Platform – PaaS (nền tảng như dịch vụ, sẵn sàng cho doanh nghiệp) có nhiệm vụ cung cấp hạ tầng vật lý cho các tầng phía trên, đảm bảo kết nối. Trên nền tảng đó là tầng Data (nền tảng quản lý dữ liệu) bao gồm Data Lake (hồ dữ liệu), Data Integration (tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn), Analytics as a Service (dịch vụ phân tích dữ liệu), Realtime Data Streaming (dịch vụ Streaming dữ liệu thời gian thực) cho phép xử lý và phân tích các luồng dữ liệu thay đổi theo thời gian. Trên đó là AI as a Service (Trí tuệ nhân tạo cung cấp dưới dạng dịch vụ) như dự đoán số liệu trên cơ sở các dữ liệu quá khứ, hỗ trợ ra quyết định thời gian thực… phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Và tầng trên cùng, tầng thứ 5 là tầng Smart Application (các ứng dụng thông minh) chứa nhiều loại ứng dụng chuyên dụng phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp như các ứng dụng bán hàng, marketing, phân tích khách hàng, quản lý nhân sự, kế toán kiểm toán, camera thông minh… Các ứng dụng này bao gồm cả các ứng dụng của CMC và các đối tác tham gia hệ sinh thái.

Giang Phạm