Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và một số kiến nghị

Trong hoạt động thương mại toàn cầu, tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thường xuyên xảy ra. Đây là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Bài viết trao đổi về một số vấn đề liên quan đến lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị đề xuất nhằm ứng phó với vấn đề lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay.

Quy định về lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay

Tại Việt Nam, các quy định liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM) nói chung và chống lẩn tránh biện pháp PVTM nói riêng được quy định tại Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM; Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ"; Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 của Bộ Công Thương ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”; Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM và một số văn bản khác của Bộ Công Thương.

Về mở rộng đối với hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Các biện pháp PVTM đang được áp dụng có thể được mở rộng trong trường hợp cơ quan điều tra xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM. Cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM căn cứ vào yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước hoặc các thông tin mà cơ quan điều tra. Theo Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, phạm vi áp dụng biện pháp PVTM có thể được mở rộng đối với hàng hóa lẩn tránh biện pháp PVTM như sau:

Thứ nhất, nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM.

Thứ hai, hàng hóa tương tự với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM có xuất xứ từ nước thứ ba mà hàng hóa đó sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM.

Thứ ba, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM có sự khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM.

Thứ tư, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM được chuyển tải thông qua nước thứ ba.

Thứ năm, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM được thay đổi hình thức kinh doanh và kênh phân phối để hưởng lợi từ mức áp dụng biện pháp PVTM thấp hơn mức đang áp dụng.

Về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam

Theo Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đối với nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM sẽ bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư nhập khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM được bán với giá thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM.

- Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM được nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích chủ yếu để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM.

- Hoạt động sản xuất, lắp ráp gia tăng đáng kể tại Việt Nam ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.

- Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM tại Việt Nam.

Về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba

Theo Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, hàng hóa tương tự với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM có xuất xứ từ nước thứ ba mà hàng hóa đó sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM sẽ bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM khi có đủ các điều kiện sau đây: Giá xuất khẩu của hàng hóa từ nước thứ ba vào Việt Nam thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM ban đầu; Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng bán hàng của nhà sản xuất, xuất khẩu; Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt đầu và gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ Công Thương quyết định điều tra…

Về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định rõ hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM có sự khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM được xem là lẩn tránh biện pháp PVTM khi có đủ các điều kiện sau đây: Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM vào Việt Nam của nhà sản xuất, xuất khẩu; Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.

Về nội dung điều tra và thời hạn điều tra

Việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM bao gồm các nội dung sau: Xác định hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM; Sự thay đổi dòng chảy thương mại từ các nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu hàng hóa sau khi quyết định áp dụng biện pháp PVTM có hiệu lực và sự thay đổi này là nguyên nhân của việc lẩn tránh biện pháp PVTM đang có hiệu lực; Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước hoặc sự giảm hiệu quả của biện pháp PVTM đang có hiệu lực.

Thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định gia hạn điều tra nhưng không quá 06 tháng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi kết luận cuối cùng, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM.

Trong trường hợp quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, biện pháp PVTM đang có hiệu lực sẽ được mở rộng áp dụng đối với từng nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa được mô tả tại Điều 73 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM…

Thực trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam

Những năm gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 5/2019, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối phó với 83 vụ chống bán phá giá, 30 vụ tự vệ, 19 vụ chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 14 vụ chống trợ cấp.

Theo Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp như ván ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vỏ xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU... Đáng chú ý, mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam chiếm đến 31% số vụ điều tra PVTM, bỏ xa mặt hàng thứ hai là sợi (9%) và giày dép (6%). Hầu hết các vụ điều tra này đều đi đến kết luận có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp PVTM.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM, trong đó có cả việc chống lẩn tránh PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các biện pháp PVTM này đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 100.000 người lao động, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua số thuế thu được ước tính có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc áp dụng công cụ PVTM là để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... đồng thời, bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Kiến nghị đề xuất

Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ" nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nhằm đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh các biện pháp PVTM, cần đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn; cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM; giúp DN chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM, hướng tới xuất khẩu bền vững. Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện các quy định về quy tắc xuất xứ nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong các FTA thế hệ mới…

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.

Nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về PVTM, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng DN trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa để báo vệ sản xuất trong nước, các DN sản xuất, kinh doanh chân chính...

thành lập công ty tại đà nẵngdịch vụ thành lập công ty tại đà nẵngthủ tục thành lập công ty