Đưa Chi cục Thuế khu vực vào hoạt động: ghi nhận từ Nam Trung bộ

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy quản lý thuế, từ ngày 5/8/2019 các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa sẽ đồng loạt đưa các chi cục thuế khu vực vào hoạt động. Đây cũng là hai địa phương thuộc top đầu của vùng duyên hải Nam Trung bộ tiến hành sáp nhập chi cục thuế (CCT) trong năm nay. 

>>>Xem thêm  Thành lập Công ty tại Đà Nẵng ;  DỊCH VỤ THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Giảm đầu mối, số thu tăng

Báo cáo từ các Cục Thuế Khánh Hòa, Phú Yên cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 18 của hai địa phương này đến nay đã giảm được 57 đầu mối. Trong đó, Cục Thuế Phú Yên đã sắp xếp giảm được 1 đầu mối cấp phòng, 2 đầu mối cấp CCT (từ 4 xuống còn 2 CCT) và 26 đầu mối cấp đội thuế (từ 68 xuống còn 42 đội thuế). Nếu tính riêng việc hợp nhất CCT đợt này, Phú Yên đã giảm được 2 đầu mối CCT, 10 đầu mối cấp đội thuế (từ 21 đội thuế xuống còn 11 đội thuế).

Tương tự, Cục Thuế Khánh Hòa cũng giảm 1 đầu mối cấp phòng, 3 đầu mối cấp CCT (từ 5 xuống còn 2 CCT) và 25 đầu mối cấp đội thuế (từ 76 đội thuế xuống còn 51 đội thuế). Trong đó việc hợp nhất đầu tháng 8 này giảm được 3 đầu mối cấp CCT, 9 đầu mối cấp đội thuế (từ 32 xuống còn 23 đội thuế). Cụ thể, sau khi thành lập CCT khu vực Nam Khánh Hòa (sáp nhập các CCT Khánh Sơn, Cam Lâm, Cam Ranh) giảm 6 đội thuế (từ 19 xuống còn 13 đội thuế); CCT khu vực Tây Khánh Hòa (từ các CCT Khánh Vĩnh, Diên Khánh) giảm 3 đội thuế (từ 13 xuống còn 10 đội thuế).

Những con số trên cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 18 TW tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bước đầu đã thu được kết quả tốt. Theo đó, tại các địa phương này không chỉ giảm được đầu mối cấp phòng, CCT và đội thuế, mà còn giúp cho một số CCT của khu vực này cải thiện số thu. Trong số đó có thể kể đến là CCT huyện Khánh Sơn, năm 2018 chỉ thu được 13 tỷ đồng; CCT huyện Khánh Vĩnh thu được 75 tỷ đồng, nhưng sau khi thành lập CCT khu vực, thì những chi cục mới như Tây Khánh Hòa sẽ có số thu trên 350 tỷ đồng; CCT Nam Khánh Hòa trên 500 tỷ đồng, do số DN và hộ kinh doanh của cấp chi cục tăng lên.

Tương tự, tại Phú Yên, năm 2018 CCT Sơn Hòa chỉ thu được 54 tỷ đồng; CCT Tuy An thu 93 tỷ đồng (nếu trừ đất còn 43 tỷ đồng); CCT Đồng Xuân cũng ở mức 83 tỷ đồng, nhưng sau khi thành lập các CCT khu vực, các CCT mới (như CCT Sông Hinh - Sơn Hòa, CCT Tuy An - Đồng Xuân) đều có số thu đạt trên 100 tỷ đồng.

Sẵn sàng nhập cuộc

Chia sẻ về chủ trương thu gọn đầu mối, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Phú Yên cho rằng, việc hợp nhất các CCT thành CCT khu vực là một cuộc cách mạng lớn về thay đổi tổ chức bộ máy ngành thuế và Phú Yên đã sẵn sàng nhập cuộc. Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, năm 2019 Cục Thuế Phú Yên sẽ hợp nhất 4 CCT thành 2 CCT khu vực là CCT huyện Sông Hinh và CCT huyện Sơn Hòa hợp nhất thành CCT khu vực Sông Hình - Sơn Hòa; CCT huyện Tuy An và Chi cục Thuế huyện Đồng Xuân hợp nhất thành CCT khu vực Tuy An - Đồng Xuân. Cả 2 chi cục này đều bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 5/8/2019. Năm 2020, Cục Thuế Phú Yên tiếp tục sáp nhập 2 CCT huyện Tây Hòa và CCT huyện Phú Hòa thành CCT khu vực Tây Hòa - Phú Hòa. Như vậy, đến năm 2020, tỉnh Phú Yên còn 6 CCT, giảm 3 CCT so với thời điểm hiện tại.

Để thực hiện tốt chủ trương này, ông Lãnh cho biết, bên cạnh việc quán triệt đến toàn thể  CBCC về kế hoạch hợp nhất CCT, Cục Thuế đã họp Ban chỉ đạo, tổ giúp việc phân tích các bước công việc sẽ triển khai, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, từ đó có biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong và sau sáp nhập. Chính nhờ sự chủ động này, đến nayviệc thực hiện chủ trương sáp nhập CCT ở Phú Yên không gặp nhiều trở ngại.

Cùng với Phú Yên, cơ quan thuế Khánh Hòa cũng đã sẵn sàng nhập cuộc từ đầu tháng 8. Ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa cho hay, việc tinh giảm bộ máy ở Khánh Hòa không nặng nề, vì ở đợt 1 là thành lập CCT khu vực Tây Khánh Hòa (gồm CCT Diên Khánh và CCT Khánh Vĩnh) thì CCT Diên Khánh chỉ có 3 phó chi cục trưởng, trong đó có 1 phó phụ trách; Khánh Vĩnh có 1 chi cục trưởng và 1 phó chi cục trưởng, do đó khi nhập hai đơn vị này với nhau sẽ thuận lợi. Tương tự, đối với CCT khu vực Nam Khánh Hòa (gồm CCT TP Cam Ranh, CCT huyện Cam Lâm, CCT huyện Khánh Sơn) tuy có 3 trưởng và 4 phó, nhưng Cục Thuế cũng đã làm tốt công tác tư tưởng và có kế hoạch bố trí nhân sự phù hợp, nên CCT Nam Khánh Hòa khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo sự ổn định, không bị xáo trộn.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài chuẩn bị tốt cho khâu nhân sự sau sáp nhập, nhiều công tác khác như kê biên tài sản, bố trí cán bộ quản lý theo địa bàn, hay địa điểm tiếp nhận người nộplệ phí trước bạ, phí... cũng được các cơ quan thuế lên kế hoạch chu đáo để người dân nộp thuế một cách thuận lợi nhất.

... nhưng vẫn còn trăn trở!

Mặc dù việc đưa các CCT khu vực vào hoạt động đều đã sẵn sàng, song không phải vì thế mà không có vướng mắc phát sinh. Thực tế cho thấy, từ 2- 3 chi cục trưởng, nay chỉ còn có 1, hay một số phó chi cục trưởng được giao phụ trách, nay bỗng không còn quyền như trước... Tất cả tuy không ai nói ra, nhưng ít nhiều cũng có tâm tư. Theo ghi nhận của phóng viên, cái khó hiện nay của những người trong cuộc vẫn là chuyện di chuyển nơi làm mới, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất chưa có và sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chi cục trưởng CCT Đồng Xuân (người sẽ cùng 10 cán bộ chuyển về Tuy An - nơi có trụ sở chính của CCT khu vực Tuy An - Đồng Xuân) cho hay, nếu như trước đây cán bộ thuế chỉ làm việc trên địa bàn huyện, thì nay phải đi xa hơn (khoảng 17 km) trên những cung đường thường bị ngập lụt, hư hỏng, thậm chí có người phải di chuyển tới 34km mới đến được trụ sở mới. Hơn nữa, việc chuyển sang một môi trường làm việc mới cũng khiến anh em phải tiếp cận lại từ đầu; bên cạnh đó, nơi ăn chỗ nghỉ chưa bố trí được cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của cán bộ thuế, nhất là những người có con nhỏ.

Không chỉ có vậy, theo chia sẻ của ông Huỳnh Ngọc Thư, Phó Chi cục trưởng CCT Đồng Xuân (người sẽ cùng 10 cán bộ khác ở lại trụ sở cũ), thì ngay cả những người ở lại cũng có những khó khăn riêng. Nếu như trước đây, mỗi khi gặp chuyện khó, anh em đều có thể trực tiếp gặp người đứng đầu để chia sẻ cùng tháo gỡ, thì nay phải tự giải quyết, bởi theo quy định, nơi không đặt trụ sở chính CCT khu vực chỉ có 1 cấp phó ở lại. Đấy là chưa kể đến tâm lý của lãnh đạo địa phương chỉ muốn làm việc với cấp trưởng, nên với vai trò của người làm phó cũng rất khó khăn. Ngoài ra, quá trình xây dựng và triển khai dự toán gắn liền với kế hoạch tài chính thu chi của mỗi huyện, nên khi hợp nhất, việc theo dõi và dự báo của mỗi địa phương cũng khác nhau. Do đó, việc đưa các CCT khu vực vào hoạt động cần đồng bộ với quy trình hạch toán các khoản thu ngân sách của từng địa phương để thuận tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo điều hành thu ngân sách.