Giao dịch liên kết – Từ yêu cầu tuân thủ tới chủ động lập kế hoạch

Cụm từ “Chuyển giá”, hay “Giá chuyển nhượng”, hoặc “Giá giao dịch liên kết”, trong một vài năm gần đây đã trở thành một đề tài nóng bỏng, thu hút được sự quan tâm từ nhiều phía, từ những nhà làm luật, cho tới người thực thi pháp luật và tất nhiên là cả cộng đồng doanh nghiệp. Sự ra đời của Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn số 41/2017/TT-BTC của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực luật hóa các quy định về chống chuyển giá của Chính phủ, làm tiền đề cho các đơn vị thực thi pháp luật có cơ sở nghiên cứu và vận dụng trong quá trình thanh, kiểm tra đối với người nộp thuế.

Nghị định 20 và Thông tư 41 đưa vào áp dụng những khái niệm mới nhất về giá chuyển nhượng được giới thiệu và sử dụng tại các quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn thiện, điều chỉnh rất mạnh mẽ vấn đề xác định giá chuyển nhượng nội bộ, như các quốc gia thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cùng với các chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS – Base Erosion and Profit Shifting) được khối này nghiên cứu đề xuất.

Từ những yêu cầu tuân thủ…

Sau hơn một năm áp dụng các quy định mới, một trong những điểm mới tại Nghị định 20 tuy nhiên vẫn còn gây nhiều tranh luận cho đến tận thời điểm hiện tại là quy định về việc áp dụng mức trần lãi tiền vay tương đương với mức 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (hay còn gọi là EBITDA – Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortisation) đối với lãi vay phát sinh từ bên liên kết và lãi vay phát sinh từ bên độc lập đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết (thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20). Có thể nhìn thấy rất nhiều ý kiến trái chiều đối với vấn đề này từ phía các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước hoạt động theo mô hình tập đoàn/công ty mẹ con, những đối tượng mà theo ý kiến của họ là không có động cơ chuyển giá do không có chênh lệch về thuế suất TNDN giữa các đơn vị thành viên, không thuộc đối tượng áp dụng của điều khoản này.

Như vậy, có một thực tế rất mới rằng, xác lập giá giao dịch liên kết giữa nội bộ các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn đã không còn là câu chuyện của riêng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), của các tập đoàn đa quốc gia như chúng ta vẫn thấy trước đây nữa. Các doanh nghiệp trong nước từ chỗ chỉ chuẩn bị bộ hồ sơ tuân thủ theo các quy định về giá giao dịch liên kết ở mức “vừa đủ”, nay đã nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và cẩn trọng hơn trong bối cảnh cơ quan thuế đang mở rộng cơ sở thu thuế.

… cho tới chủ động nghiên cứu và vận dụng trong việc sắp xếp doanh nghiệp, xác lập giá và cấu trúc giao dịch nội bộ giữa các bên liên kết

Với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin dẫn đến nảy sinh những mô hình giao dịch và kinh doanh mới và phức tạp hơn, khái niệm “Chuyển giá” cần phải được nhìn nhận đúng với bản chất kinh tế cũng như pháp lý của nó. Theo đó, “Xác định giá giao dịch liên kết”, chứ không phải “Chuyển giá”, là việc các doanh nghiệp vận dụng cơ sở pháp lý hiện hành, những nghiên cứu và am hiểu về kinh doanh, kinh tế, để tính toán một mức giá hợp lý cho các giao dịch nội bộ giữa các bên liên quan trong cùng một tập đoàn.  

Cần có một nhận định đúng đắn về Xác định giá giao dịch liên kết thì các doanh nghiệp trong nước mới có thể chuyển được trạng thái từ chuẩn bị hồ sơ tuân thủ bị động, sang một trạng thái sẵn sàng cao hơn, theo đó doanh nghiệp chủ động thiết lập chính sách giá nội bộ, chủ động thiết kế cấu trúc các giao dịch nội bộ hoặc tổ chức sắp xếp các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn để đảm bảo tính tuân thủ về giá, đạt được hiệu quả trong tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh, cũng như giảm thiểu rủi ro bị ấn định vào hành vi chuyển giá.

Một số công việc có thể làm ngay đối với các doanh nghiệp trong nước áp dụng mô hình hoạt động theo tập đoàn, đặc biệt là các đơn vị có các cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng các mức thuế suất TNDN khác nhau (ví dụ: áp dụng ưu đãi thuế TNDN riêng cho từng cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng được tiêu chí hưởng ưu đãi ở mức khác nhau) có thể bao gồm:

  • Rà soát và hoàn thiện tính tuân thủ đối với yêu cầu về hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết của tập đoàn.
  • Nghiên cứu áp dụng các quy định về giá giao dịch liên kết cũng như các nội dung về thuế đối với doanh nghiệp như thuế TNDN, thuế GTGT và hóa đơn chứng từ, vào việc lập chính sách giá nội bộ đối với các giao dịch liên kết trong nội bộ tập đoàn.
  • Tùy vào yêu cầu đặc thù của mỗi tập đoàn, bên cạnh các mục đích thông thường khi sắp xếp doanh nghiệp như pháp lý, giấy phép, chức năng kinh doanh… các tập đoàn có thể chủ động nghiên cứu sắp xếp cơ cấu các đơn vị thành viên theo từng chức năng nhiệm vụ thực hiện trong toàn bộ chuỗi giá trị của tập đoàn (ví dụ: tách biệt giữa thu mua, sản xuất, phân phối, bán lẻ, v.v..), trên cơ sở xem xét tài sản sở hữu và rủi ro gánh chịu của từng đơn vị. Từ đó xây dựng mô hình cấu trúc các giao dịch tương ứng và phương pháp xác định giá phù hợp trong từng giao dịch.

Với vai trò ngày càng quan trọng so với các thành phần kinh tế còn lại, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dần dần gánh vác vai trò dẫn dắt, tạo động lực cho nền kinh tế nước nhà bên cạnh khối doanh nghiệp FDI, làm tiền đề đưa kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Do đó, ngoài việc tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình, các tập đoàn tư nhân cũng cần chủ động lập và triển khai các kế hoạch thuế trong đó nội dung xác định giá giao dịch liên kết trong nội bộ tập đoàn là một nội dung đặc biệt quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng cường tính tuân thủ, giảm thiểu thời gian giải trình với cơ quan chức năng trong quá trình thanh kiểm tra sau này, giảm thiểu rủi ro bị phạt thuế, ấn định thuế, tối ưu hóa chi phí tuân thủ, v.v.. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị bước ra biển lớn khi mà cùng với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các vấn đề thuế quốc tế và pháp lý tại nước nước ngoài vô cùng phức tạp sẽ tiếp tục là những vấn đề mà các doanh nghiệp nội cần lưu tâm theo dõi trong giai đoạn tiếp theo.

Grant Thornton là công ty quốc tế hàng đầu về kiểm toán, tư vấn về thuế, tư vấn giao dịch doanh nghiệp và các dịch vụ kế toán tại Việt Nam. Tra cứu www.grantthornton.com.vn để xem thêm các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Trích nguồn: VACPA