Hiện đại hóa hải quan với hàng quá cảnh giữa các nước ASEAN

Sáng 17/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

>>>Xem thêm  DỊCH VỤ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Hiện đại hóa hải quan với các nước ASEAN

Áp dụng cơ chế ưu tiên với doanh nghiệp quá cảnh hàng hoá

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước thành viên ASEAN ký kết vào ngày 16/12/1998 đã quy định việc xây dựng và ký kết các Nghị định thư có liên quan, trong đó có Nghị định thư 7 về chế độ quá cảnh hải quan.

Năm 2017, UBTVQH đã có kết luận nhất trí về sự cần thiết phê duyệt Nghị định thư 7, giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt theo Luật Điều ước quốc tế. Trong đó, đề nghị Chính phủ chủ động xác định thời điểm phê duyệt Nghị định thư 7 phù hợp với tiến độ phê duyệt của các nước ASEAN khác và đảm bảo lợi ích quốc gia và nhất trí không áp dụng toàn bộ Nghị định thư, mà chỉ thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam.

Cơ sở của việc xây dựng dự thảo Nghị định là để triển khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (gọi tắt là Hệ thống ACTS) là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các DN tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hoá, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam; và đảm bảo cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư 7.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm thực hiện các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ dần đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4 theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Tăng cường quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ hải quan; đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong từng nội dung quy định, thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam cũng như hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam quá cảnh qua các nước trong ASEAN;

Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan; củng cố cơ sở pháp lý về thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh ASEAN để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tại dự thảo Nghị định, bên cạnh những nội dung cơ bản, còn có một số nội dung chưa được quy định trong pháp luật hiện hành là cơ chế bảo lãnh, cơ chế ưu tiên mà Chính phủ trình xin ý kiến UBTVQH. Cụ thể, về cơ chế bảo lãnh, để được thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Nghị định thư thì hàng hóa phải được đặt dưới chế độ bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế. Nội dung này là quy định mới so với pháp luật hiện hành, do vậy tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo lãnh thuế đối với hàng hóa quá cảnh, tổ chức bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, các tình huống phát sinh/bất khả kháng, cơ chế xử lý vì pháp luật về thuế hiện hành đang quy định hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu thuế.

Về cơ chế ưu tiên, theo quy định hiện hành chế độ doanh nghiệp ưu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định với doanh nghiệp thực hiện quá cảnh hàng hóa. Để phù hợp với Nghị định thư 7, tại dự thảo Nghị định đã quy định về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan (tương tự với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá) để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Từng bước hiện đại hoá lĩnh vực hải quan

Thẩm tra các nội dung, các ý kiến trong Uỷ ban Tài chính ngân sách và Uỷ ban Pháp luật cơ bản thống nhất với các nội dung Chính phủ trình, bao gồm cả các vấn đề về cơ chế bảo lãnh, đặt cọc, chế độ ưu tiên. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ hoàn thiện các quy định trên theo hướng chặt chẽ, đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia.

Tại phiên họp, giải trình thêm về một số vấn đề các thành viên UBTVQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định thủ tục hải quan đóng vai trò rất quan trọng. Các năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đều cao gấp đôi GDP. Do đó, nếu thủ tục hải quan trở thành nút thắt sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Vì vậy những năm qua, Bộ Tài chính đã rất chú trọng, tập trung cải cách thủ tục hải quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy sản xuất và kinh tế trong nước. Gần đây, Bộ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiến nghị cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vốn đang là khâu rất tắc.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay chúng ta đã hiện đại hoá được một bước với lĩnh vực này, đặc biệt là sau khi tiếp nhận dự án của Nhật Bản VNACCS/VCIS. Theo đó, ngành hải quan đã chú trọng đào tạo nhân lực, thực hiện giám sát trực tiếp đến từng luồng đi hàng hoá, hoạt động của từng cán bộ, nhân viên trong phạm vi làm việc. Đồng thời, việc hiện đại hoá được gắn liền với hậu kiểm, kiểm soát rủi ro, tăng cường soi chiếu.

Trong công tác chống buôn lậu, ngành hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đạt thành tích lớn trong các vụ phát hiện, bắt giữ hàng nhập lậu, đặc biệt cả trong những vụ án ma tuý lớn. Nhấn mạnh sự phối hợp tổng thể trong chống buôn lậu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ đã hội nhập phải tạo điều kiện, tăng cường kiểm tra kiểm soát bằng nhiều khâu, nhiều biện pháp khác nhau.

Trả lời ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về việc có nên thí điểm các nội dung này trước khi thực hiện toàn diện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong nhiều tháng qua, các chuyên gia đã đến Việt Nam để đào tạo về vận hành hệ thống. Hệ thống điện tử này chạy song song với hệ thống hiện hành của Việt Nam. Đến khâu cuối cùng là kết nối hai hệ thống này với nhau. Đây cũng là cách các nước vừa qua đã làm thí điểm. “Hiện nay đã đào tạo, đã kết nối hệ thống rồi, thì có thể cũng phải có giai đoạn chạy thử, nhưng cơ bản chúng tôi cho rằng khi tổ chức thực hiện dự án này khả thi cao”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Sau khi thảo luận và lắng nghe ý kiến giải trình, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để luật hoá Nghị định thư 7 phù hợp điều ước quốc tế đã ký kết. Nghị định ban hành phải đảm bảo nguyên tắc như kết luận trước đó của UBTVQH. Về các cơ chế bảo lãnh, đặt cọc, ưu tiên, UBTVQH cũng cơ bản nhất trí về nguyên tắc, nhưng đề nghị Chính phủ rà soát lại về mặt quy định.

 thành lập công ty tại đà nẵngdịch vụ thành lập công ty tại đà nẵngthủ tục thành lập công ty