Hiện đại hóa quản lý tài sản công bằng CNTT

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý tài sản công (TSC), trong đó trọng tâm là việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng TSC là một chính sách quan trọng thể hiện xuyên suốt từ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) năm 2008 đến Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017. Quá trình xây dựng, triển khai các ứng dụng để hình thành CSDL quốc gia về TSC thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để việc hiện đại hóa công tác quản lý TSC góp phần nhiều hơn nữa vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý TSC.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Thực trạng các CSDL quốc gia về TSC

Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý TSC thời gian vừa qua được tập trung vào việc xây dựng, vận hành CSDL quốc gia về TSC. CSDL quốc gia về TSC được xây dựng nhằm tạo lập và cung cấp thông tin tài chính chất lượng tốt cho các đối tượng sử dụng dữ liệu. Thông tin trong CSDL sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng TSC; đặc biệt là công tác lập kế hoạch, dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, ra quyết định và tổ chức thực hiện xử lý, khai thác TSC, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản. Việc nắm chắc TSC ở tầm quốc gia cũng như từng cấp, từng ngành sẽ giúp cho việc thiết kế chính sách và chỉ đạo, điều hành phù hợp (ban hành tiêu chuẩn, định mức, lập kế hoạch đầu tư...). Điều đặc biệt là với việc đưa vào vận hành CSDL quốc gia về TSC sẽ tạo lập cơ sở quan trọng để thực hiện công khai, minh bạch về tài sản.

Bà Nguyễn Thị Phương Hảo, Phó Giám đốc, Trung tâm Khai thác dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và dịch vụ về tài sản (Cục Quản lý công sản) cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang vận hành 04 CSDL về TSC gồm: CSDL về tài sản nhà nước (quản lý tài sản là đất nhà, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại, các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, tài sản dự án); CSDL về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; CSDL về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; CSDL về tài sản cố định tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhằm giúp cơ quan tài chính các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có điều kiện thực hiện đúng và kịp thời quy định này; đồng thời nhằm đổi mới một bước công tác quản lý nhà nước về tài sản theo hướng hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; Bộ Tài chính đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý đăng ký TSNN để xây dựng CSDL quốc gia về TSNN.

Hiện nay, CSDL đã mở rộng và quản lý thông tin các tài sản thuộc các Ban Quản lý dự án theo quy định tại Thông tư 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính. Địa chỉ truy cập phần mềm https://dkts.btc: áp dụng đối với các đơn vị sử dụng hạ tầng truyền thông ngành Tài chính (ví dụ sở tài chính, phòng tài chính - kế hoạch,...); https://dkts.mof.gov.vn: áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị có kết nối internet.

Tính đến ngày 31/12/2018, CSDL đã cập nhật và quản lý, lưu trữ lượng thông tin rất lớn, cụ thể như sau: Theo thống kê từ CSDL quốc gia về TSC, CSDL đã lưu trữ quản lý được thông tin của 106.820 cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước thuộc phạm vi quản lý của 63 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2012, trong khuôn khổ “Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2012-2015” do AusAID, Bộ Ngoại giao Đan Mạch và Bộ Hợp tác Phát triển Hà Lan (đại diện là AusAID) hỗ trợ, Bộ Tài chính đã chủ trì tiến hành khảo sát tình hình đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tại các địa phương. Qua khảo sát, thực tế cho thấy các công trình cấp nước sạch nông thôn chưa được hạch toán theo dõi đầy đủ; sau khi đầu tư chưa có cơ quan nào nắm được tổng thể về số lượng, giá trị của công trình ảnh hưởng tới quá trình bảo dưỡng, duy tu và khai thác công trình có hiệu quả.

Vì vậy, tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể việc quản lý, khai thác, trách nhiệm xây dựng, rà soát chuẩn hoá CSDL về công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Để Thông tư đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng công trình; Bộ Tài chính đã xây dựng và vận hành CSDL hỗ trợ công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Địa chỉ truy cập phần mềm: https://ctns.mof.gov.vn sử dụng mạng Internet để đăng nhập phần mềm.

Phần mềm Quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn được xây dựng và triển khai vận hành, sử dụng cho các cơ quan sau: Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở tài chính trên toàn quốc 63 đơn vị và các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn trên toàn quốc 63 đơn vị. Tính đến ngày 31/12/2018, CSDL về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn đã cập nhật thông tin của 15.096 công trình với tổng giá trị 20.649,41 tỷ đồng.

Theo Thông tư số 178/2013/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Bộ Tài chính đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai xây dựng CSDL quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ.

Địa chỉ truy cập vào phần mềm: https://htgtdb.mof.gov.vn. Phần mềm cập nhật số liệu kiểm kê và hạch toán giá trị tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xây dựng và triển khai vận hành, sử dụng cho các cơ quan sau: Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính); Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải); 63 sở tài chính và 63 sở giao thông vận tải.

Tính đến ngày 31/12/2018, CSDL về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã cập nhật thông tin của 28.078 tài sản hạ tầng tầng giao thông đường bộ, với tổng nguyên giá 3.428,01 nghìn tỷ đồng, giá trị còn lại 2.929.60 nghìn tỷ đồng.

Sau 04 năm đưa vào vận hành phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước (TSNN) (gồm các loại tài sản đất, nhà, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá trên 500 triệu/1 đơn vị tài sản và tài sản dự án); CSDL quốc gia về TSNN còn hạn chế là chưa cập nhật, quản lý được thông tin của nhóm tài sản cố định dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp. Qua thực tế triển khai, vận hành phần mềm quản lý đăng ký TSNN, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã nhận thức rõ hiệu quả của việc ứng dụng CNTT và công tác quản lý TSNN. Một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã tự xây dựng hoặc thuê doanh nghiệp xây dựng chuyển giao phần mềm quản lý tài sản cố định theo tiêu chuẩn tài sản cố định. Do nhu cầu trong công tác quản lý tài sản cố định, nhiều bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn và xây dựng một chương trình phần mềm thống nhất để triển khai áp dụng tại các Bộ, ngành, địa phương.

Để đảm bảo có đầy đủ thông tin về TSNN tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; đồng bộ với quy định về quản lý tài sản cố định và hệ thống kế toán hiện hành, Bộ Tài chính đã giao Trung tâm dữ liệu quốc gia về tài sản công (thuộc Cục Quản lý công sản) và Trung tâm chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật (thuộc Cục Tin học và Thống kê tài chính) xây dựng, triển khai phần mềm quản lý tài sản nhà nước để triển khai cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có nhu cầu. Địa chỉ truy cập vào phần mềm: http://qltsnn.mof.gov.vn.

Tính đến nay, phần mềm quản lý TSNN đã triển khai cho 17 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương với tổng số lượng 12.167 đơn vị.

Một số kết quả đạt được

Bà Nguyễn Thị Phương Hảo, Phó Giám đốc, Trung tâm Khai thác dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và dịch vụ về tài sản (Cục Quản lý công sản) cho biết, việc xây dựng các CSDL trong công tác quản lý TSC thời gian vừa qua với các nội dung nêu trên đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đắc lực vào công tác quản lý, sử dụng TSC của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng được giao trực tiếp quản lý, sử dụng; cụ thể như sau:

Thứ nhất, CSDL quốc gia về TSC cho phép quản lý, lưu trữ và cập nhật một cách kịp thời, từng bước đầy đủ thông tin về hiện trạng, biến động của TSC. Trước đây để tổng hợp, phân tích dữ liệu về TSC đều phải thông qua phương pháp thủ công theo quy trình cơ quan quản lý cấp trên đưa ra yêu cầu với các cơ quan quản lý cấp dưới đến đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSC; cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng TSC tổng hợp thông tin, báo cáo qua lần lượt các cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan đưa ra yêu cầu. Nội dung thông tin báo cáo, người cung cấp thông tin có sự thay đổi thường xuyên, thời gian thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo kéo dài dẫn tới chi phí cho việc tổng hợp, phân tích thông tin cao, số liệu sau khi tổng hợp xong đã trở nên lạc hậu. Việc đưa vào sử dụng các Phần mềm quản lý TSC với công nghệ tiên tiến, hiện đại, triển khai trực tuyến trên môi trường Internet cho phép thông tin được quản lý thống nhất từ trên xuống dưới, được cập nhật kịp thời ngay sau khi phát sinh đã cho phép các cơ quan quản lý có được thông tin kịp thời, thống nhất.

Thứ hai, CSDL là một kênh thông tin đắc lực giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý TSC phù hợp, kịp thời hơn; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng TSC phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thông qua CSDL, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã nắm được tổng thể và chi tiết về chủng loại, số lượng, hiện trạng sử dụng của TSC tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp một cách đầy đủ, kịp thời. Việc nắm chắc TSNN ở tầm quốc gia cũng như từng cấp, từng ngành đã giúp cho việc thiết kế chính sách và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phù hợp (ban hành tiêu chuẩn, định mức, lập kế hoạch đầu tư..).

Thứ ba, CSDL quốc gia về TSC với hệ thống thông tin thống nhất từ cơ sở đến trung ương cho phép các cơ quan quản lý cấp trên nắm được tổng thể và chi tiết tài sản của các đơn vị cấp dưới, góp phần tích cực vào việc minh bạch thông tin khi ra các quyết định liên quan đến TSC.

Nhưng vẫn còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả nêu trên, bà Hảo cho rằng, việc xây dựng các CSDL trong quản lý, sử dụng TSC còn những hạn chế sau:

Một làCSDL quốc gia về TSC chưa bao quát được các loại TSC theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017. Mặc dù, đã có sự cố gắng lớn trong việc xây dựng, nâng cấp CSDL quốc gia về TSC nhưng đến nay, CSDL quốc gia về TSC mới chỉ quản lý được dữ liệu về TSC có giá trị lớn trong khu vực hành chính sự nghiệp (nhà, đất, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản), tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, thủy lợi và các loại hạ tầng khác, đất đai, tài nguyên, tài sản hình thành thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...chưa có phần mềm để quản lý, tổng hợp thông tin vào CSDL quốc gia. Đối với TSC khu vực hành chính sự nghiệp, CSDL hiện tại mới quản lý thông tin của 04 loại tài sản có giá trị lớn, trong khi các tài sản khác chưa có CSDL thống nhất. Việc CSDL chưa bao quát hết các loại TSC dẫn đến thiếu thông tin tổng thể về tài sản để xây dựng chiến lược, quyết định các vấn đề về TSC và đánh giá tổng nguồn lực của quốc gia.

Hai là, thông tin trong CSDL quốc gia chưa đầy đủ, kịp thời. Sự đầy đủ của thông tin phụ thuộc rất lớn vào việc báo cáo kê khai, đăng nhập dữ liệu của các đơn vị cơ sở. Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát sinh tăng, giảm, biến động tài sản các đơn vị phải đăng nhập trong CSDL quốc gia nhưng nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm quy định này. Việc chậm kê khai, đăng nhập thông tin làm dữ liệu không được đầy đủ, dẫn tới việc quyết định các vấn đề liên quan đến TSC không chính xác.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng TSC là vấn đề mới, quá trình triển khai thực hiện cần có thời gian và bước đi phù hợp; một số cấp, ngành, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò của ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng TSC; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý ngại thay đổi hoặc không bắt kịp sự thay đổi trong cách thức quản lý khi ứng dụng CNTT; công tác kiểm tra, thanh tra việc đăng nhập dữ liệu chưa được thường xuyên, kịp thời, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm; nguồn kinh phí để ứng dụng CNTT còn hạn chế.

Giải pháp hoàn thiện CSDL quốc gia về TSC

Theo bà Hảo, cần nâng cấp CSDL quốc gia về TSC để bảo đảm CSDL quốc gia có đầy đủ thông tin về sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm đáp ứng yêu cầu kế toán tài sản công, nắm chắc nguồn lực của Nhà nước để có kế hoạch và tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công có hiệu quả phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Cụ thể, nâng cấp phần mềm quản lý đăng ký TSNN để có thể quản lý tất cả các tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định. Thực hiện tích hợp toàn bộ số liệu tài sản từ Phần mềm quản lý TSNN vào phần mềm quản lý đăng ký tài sản; xây dựng mới phân hệ quản lý tài sản được xác lập sở hữu toàn dân; đối với các nhóm tài sản hạ tầng (đường bộ, công trình nước sạch, đường sắt, đường thủy, hàng không...) CSDL về tài sản công xây dựng giao thức kết nối theo chuẩn để nhận dữ liệu tài sản từ các bộ, ngành, địa phương; đối với các loại tài sản công đã có CSDL quản lý: Bộ Tài chính xây dựng tiêu chuẩn và điều kiện, hướng dẫn việc trao đổi thông tin để kết nối với CSDL quốc gia về tài sản công mà không xây dựng CSDL mới để tránh chồng chéo, lãng phí, cho phép các đơn vị quản lý tài sản công trong cả nước sau khi được cấp tài khoản và quyền đồng bộ dữ liệu, có thể đồng bộ thông tin tài sản vào CSDL QGTSC để có thể quản lý thông tin tập trung, xuất báo cáo tổng hợp, khai thác thông tin tài sản công trong cả nước.

Đẩy mạnh việc sử dụng thông tin trong CSDL để tổ chức thực hiện công tác quản lý TSC. Thông tin trong CSDL về TSC có giá trị pháp lý như thông tin trong hồ sơ dạng giấy, được sử dụng để phục vụ trực tiếp vào việc lập kế hoạch, dự toán, quyết định việc đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, cho thuê, bán, chuyển nhượng, điều chuyển, thanh lý TSC. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản, các cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan thẩm định, cơ quan ra quyết định chỉ sử dụng thông tin trong CSDL để thực hiện các nội dung nêu trên khi tài sản đã được theo dõi trong CSDL, không yêu cầu thông tin bằng giấy.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về việc báo cáo kê khai, đăng nhập dữ liệu, sử dụng dữ liệu về TSC. Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước theo hướng mở rộng các hành vi vi phạm bị xử phạt, nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng TSC.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, sử dụng TSC: Tổ chức tốt các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ quản trị CSDL, các cán bộ trực tiếp nhập, duyệt, khai thác dữ liệu, tham gia vào việc cùng xây dựng và phát triển các ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng TSC; có chế độ phù hợp, chính sách ưu đãi tốt nhằm tạo sự gắn bó, nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách CNTT tại các bộ, ngành, địa phương để hình thành được đội ngũ chuyên nghiệp và hiệu quả.

thành lập công ty tại đà nẵng, dịch vụ thành lập công ty tại đà nẵng, thủ tục thành lập công ty