Đó là nhận định của ông Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty luật TNHH Inteco (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về các quy định liên quan đến các quyền của người nộp thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế sửa đổi.
>>>Xem thêm DỊCH VỤ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI ĐÀ NẴNG<<<
Với nhiều điểm mới được quy định trong nội dung, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua?
Qua nghiên cứu tôi nhận thấy, Luật Quản lý thuế sửa đổi có nhiều điểm mới, trong đó tập trung vào một số điểm chính như: kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN; mở rộng quyền của người nộp thuế. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Luật quy định cụ thể về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế; siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá; bắt buộc tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022; quy định cụ thể các trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp; các vấn đề về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thuế và tổ chức, đơn vị khác trong hoạt động quản lý thuế.
Đặc biệt, cá nhân tôi đánh giá cao Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này, bởi một số lý do có tính pháp lý cao. Thứ nhất, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã kịp thời cập nhật các quy định mới có tính thực tế cao hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn của DN, người nộp thuế. Theo đó, những phản ảnh, góp ý từ phía DN và người nộp thuế đã được ngành thuế ghi nhận một cách tích cực.
Thứ hai, Luật đã kịp thời cập nhật sự thay đổi và phát triển của xã hội, của nền kinh tế và sự xuất hiện của những vấn đề mới trong cách thức phân phối hàng hóa; những lĩnh vực kinh doanh mà trước đây không có, hoặc sự xuất hiện của những thủ thuật gây xói mòn thuế, mà trước đó chưa được phòng ngừa trong văn bản về quản lý thuế (như chuyển giá trong quá trình đầu tư, chuyển giá trong quá trình sản xuất kinh doanh). Việc luật hóa các quy định điều chỉnh sẽ là hành lang pháp lý để ngành thuế và các cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vấn đề thực tiễn tốt hơn, tránh thất thu thuế, đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư, giữa các DN trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
Thứ ba, Luật đã tiến thêm một bước dài trong việc thay đổi vị trí của người nộp thuế, trong đó vai trò và vị trí của người nộp thuế được đặt ở tầm cao hơn, được coi trọng hơn. Mặc dù, nộp thuế là nghĩa vụ của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có phát sinh thu nhập chịu thuế theo quy định. Tuy nhiên, không vì thế mà cơ quan thuế có quyền áp đặt, đưa ra biện pháp quản lý có tính một chiều, thiếu coi trọng. Về mặt nguyên tắc, công dân, các tổ chức, cá nhân trong xã hội mới là chủ thể quản lý xã hội, chứ không phải cơ quan nhà nước. Do vậy, việc sửa đổi này của Luật là sự chuyển biến tích cực để phù hợp hơn với các nguyên tắc và chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Quản lý thuế sửa đổi đó là lần đầu tiên đã có những quy định cụ thể về những hành vi bị cấm trong quản lý thuế. Dưới góc độ luật pháp, ông đánh giá như thế nào về những quy định này?
Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như: thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
Với những quy định này, nhìn ở góc độ lập pháp sẽ có những cung bậc khác nhau đối với các hành vi của tổ chức, cá nhân mà pháp luật cho phép, không cho phép hoặc cho phép có điều kiện. Nếu là hành vi bị cấm, thì tuyệt đối không được làm, dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Còn những hành vi không bị cấm, nhưng có thể chịu sự hạn chế bởi những điều kiện nhất định sẽ được quy định trong những văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó, việc Luật Quản lý thuế sửa đổi đưa ra những điều cấm sẽ làm hành lang pháp lý quan trọng cho những văn bản hướng dẫn thi hành. Đó là sự khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ của Nhà nước đối với những hành vi không thể cho phép.
Bên cạnh những quy định liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm, Luật cũng đã có các quy định tăng quyền cho người nộp thuế. Theo ông, điều này sẽ tạo điều kiện gì cho người nộp thuế trong thực hiện các nghĩa vụ đối với NSNN?
Điều 16 của Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định rõ những quyền của người nộp thuế như: có quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Bên cạnh đó, người nộp thuế được yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật; hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định.
Những nội dung này rất quan trọng và có ý nghĩa, bởi đã thay đổi tâm thế và vị trí của người nộp thuế. Với các nghĩa vụ mà Nhà nước đã quy định, thì người nộp thuế phải tuân theo, nhưng nếu ở vị trí và tâm thế của người nộp thuế tốt hơn, sẽ tránh được sự áp đặt và nhũng nhiễu từ một số cán bộ thuế thiếu trách nhiệm, cũng như thay đổi tâm tư, tình cảm, giúp người nộp thuế cảm nhận được vị trí và trách nhiệm của mình đối với xã hôi, với Nhà nước. Nếu người nộp thuế tin tưởng cơ quan quản lý, thì sẽ tự giác hơn trong việc nộp thuế, giảm hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ thuế. Hiện nay, sự khác biệt vẫn còn tồn tại giữa thu ngân sách trên sổ sách và thu trên thực tế, do đó nếu tiền thuế được nộp vào ngân sách ổn định và kịp thời hơn, thì Nhà nước sẽ chủ động hơn trong các kế hoạch chi tiêu.
Ông kỳ vọng như thế nào về tác động của Luật Quản lý thuế mới tới công tác quản lý thuế, DN và người nộp thuế khi Luật đi vào cuộc sống?
Tôi tin tưởng rằng, Luật Quản lý thuế mới ra đời và đi vào cuộc sống sẽ làm thay đổi một phần cách thức hành xử và làm việc giữa cơ quan quản lý thuế với người nộp thuế; tăng cường năng lực của cơ quan thuế; cải thiện niềm tin và sự hợp tác giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Qua đó, sẽ tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
thành lập công ty tại đà nẵng, dịch vụ thành lập công ty tại đà nẵng, thủ tục thành lập công ty