Nhiều rủi ro trong phòng vệ thương mại

Vụ việc thuế chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ vừa qua đã dấy lên vấn đề về phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường mở cửa, vấn đề phòng vệ thương mại cần được nhà nước quan tâm như cách “phòng bệnh” nhằm giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, chi phí khi dính vào các vụ kiện.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Đối mặt 130 vụ việc 

Hầu hết các quốc gia tham gia cuộc chơi thị trường toàn cầu đều dùng đến nhiều giải pháp phòng vệ thương mại, thế nhưng, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược, ít nghiên cứu kỹ thị trường nên gánh nhiều rủi ro. Doanh nghiệp chưa chủ động phòng tránh bằng việc đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, tìm hiểu rõ pháp luật phòng về thương mại, xu hướng kiện phòng vệ thương mại của nước xuất khẩu...

Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay Việt Nam đã đối mặt với 130 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ về trợ cấp, 25 vụ việc về tự vệ, 17 vụ về lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Mỗi vụ kiện thường liên quan đến một ngành hàng, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp phải tìm được tiếng nói chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Vai trò của hiệp hội, ngành hàng ở những thời điểm như thế này hết sức quan trọng. Cho đến nay, có nhiều vụ kiện ở ngành hàng cá tra, tôm đã được giải quyết, dù thời gian mỗi vụ kiện kéo dài hàng năm.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước đối tác hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể tiếp tục tăng lên. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu còn bị động, chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, hệ quả bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành.

Trước xu thế tự do hóa thương mại sẽ tạo ra nhiều rủi ro và tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho các thành viên, nên khi xây dựng các hiệp định, các thành viên vẫn nhất trí cho phép thực hiện những chính sách mang tính rào cản nhất định để bảo vệ mình trước các hành vi thương mại không lành mạnh (bán phá giá, trợ cấp) hoặc trong bối cảnh gia tăng đột biến hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Do vậy, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp phòng vệ nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. 

Cần đẩy mạnh phòng vệ thương mại

Mặc dù pháp luật về phòng vệ thương mại đã được ban hành hơn 10 năm, nhưng các biện pháp này mới chỉ được sử dụng trong khoảng 5 năm gần đây. Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá, tự vệ thương mại. Nhưng bên cạnh việc khởi kiện, cái doanh nghiệp cần là chú ý cả việc kháng kiện. Còn đứng ở góc độ pháp luật thì pháp luật của Việt Nam về phòng vệ thương mại chưa hoàn toàn tương thích với các điều khoản trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, do thời gian tới khi ban hành các quy định pháp luật cần xem xét để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Về phía doanh nghiệp, cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trong tương lai có thể xảy ra. Vì các đối tác FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác FTA điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các doanh nghiệp cũng nên hợp sức tích cực tham gia vào công tác kháng kiện, phối hợp và liên hệ chặt chẽ với hiệp hội để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành, hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra. Thực tế hoạt động điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra các nước cũng thường yêu cầu rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, do vậy doanh nghiệp cần ý thức lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

Về phòng vệ thương mại, hiện nay Việt Nam có Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2017 có một chương quy định về phòng vệ thương mại. Trong đó, nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm áp dụng trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra; công bố công khai các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức cao hơn mức thuế tạm thời...