Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã sẵn sàng ra mắt sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm. Sản phẩm này hứa hẹn mang lại nhiều sự hấp dẫn cho nhà đầu tư như: tính đòn bẩy, chi phí đầu tư thấp, giao dịch và thanh toán dễ dàng, không phải ký quỹ trước khi giao dịch, cố định khoản lỗ tối đa và ngoài ra, đây còn là sản phẩm không bị giới hạn sở hữu nước ngoài, do đó cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường góp phần nâng cao thanh khoản thị trường chứng khoán. Song, sản phẩm này cũng được đánh giá là sản phẩm đầu tư có tính rủi ro cao. Do vậy, nhà đầu tư cần phải am hiểu về sản phẩm trước khi giao dịch nhằm hạn chế những rủi ro không mong muốn.
>>>Xem thêm Thành lập Công ty tại Đà Nẵng , CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI THÀNH LẬP CÔNG TY, <<<
Trên thế giới, đặc biệt là tại các nước như Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,… Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm phổ biến và thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng nhà đầu tư. Tại Việt Nam, chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm chứng khoán do công ty chứng khoán phát hành cho phép người mua sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành theo mức giá và thời gian xác định trước. Trong giai đoạn đầu loại hình chứng quyền có bảo đảm sẽ được triển khai là chứng quyền mua, dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu niêm yết với phương thức thanh toán bằng tiền.
Những lợi điểm của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm
Với đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn thì Chứng quyền có đảm bảo là sản phẩm khá phù hợp bởi các lợi điểm của mình.
Thứ nhất, giá của chứng quyền thấp hơn nhiều lần so với giá chứng khoán cơ sở, vì vậy khi tham gia giao dịch chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số tiền khá nhỏ mà vẫn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ những biến động giá của chứng khoán cơ sở.
Thứ hai, với chi phí đầu tư để sở hữu chứng quyền nhỏ hơn nhiều lần so với chứng khoán cơ sở nhưng trong trường hợp giá cổ phiếu biến động đúng như dự đoán, nhà đầu tư chứng quyền sẽ thu được lợi nhuận rất lớn so với khoản chi phí đầu tư ban đầu do hiệu ứng đòn bẩy mang lại.
Thứ ba, khi nhà đầu tư không thể nhận định chính xác về sự thay đổi giá của chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư có thể đầu tư vào Chứng quyền có bảo đảm như một phương án thay thế. Trường hợp giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa của nhà đầu tư trong trường hợp này là khoản phí (giá) của chứng quyền mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu.
Thứ tư, cách thức giao dịch và thanh toán khi thực hiện mua bán Chứng quyền có bảo đảm dễ dàng. Nhà đầu tư có thể mua chứng quyền có bảo đảm từ tổ chức phát hành vào thời điểm tổ chức phát hành chào bán tại thị trường sơ cấp hoặc mua chứng quyền có bảo đảm sau khi chứng quyền được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Khi tham gia giao dịch chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán nhà đầu tư dùng chính tài khoản giao dịch cổ phiếu của mình để thực hiện giao dịch. Thời gian giao dịch, phương thức khớp lệnh, lệnh giao dịch, nguyên tắc xác định giá, đơn vị giao dịch tương tự cổ phiếu. Ngoài ra khi thực hiện giao dịch chứng quyền có bảo đảm nhà đầu tư không phải thực hiện ký quỹ.
Rủi ro khi tham gia giao dịch chứng quyền có bảo đảm
Bên cạnh những lợi điểm đã nêu trên Chứng quyền có bảo đảm cũng là một sản phẩm được đánh giá có nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu và trang bị kỹ cho mình kiến thức trước khi tham gia giao dịch.
Thứ nhất, chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm có tính đòn bẩy cao nên bên cạnh việc giúp nhà đầu tư gia tăng suất sinh lợi cũng sẽ đồng thời có thể khuếch đại mức độ tổn thất trong trường hợp giá cổ phiếu cơ sở biến động ngược chiều với dự đóan của nhà đầu tư.
Thứ hai, khác với chứng khoán cơ sở, chứng quyền có bảo đảm luôn có vòng đời giới hạn, tối thiểu 3 tháng và tối đa 2 năm kể từ ngày phát hành. Vào thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền sẽ không được tiếp tục nắm giữ chứng quyền như đầu tư cổ phiếu mà sẽ được thanh toán tiền hoặc mất khoản phí mua chứng quyền ban đầu. Như vậy, nhà đầu tư cần xem xét bán lại chứng quyền hoặc nắm giữ đến khi đáo hạn.
Thứ ba, giống như bất kỳ sản phẩm đầu tư khác, giá của chứng quyền luôn chịu tác động nhiều yếu tố như cung cầu của thị trường, biến động giá của chứng khoán cơ sở. Ngoài ra, một số nhân tố tạo nên giá trị của chứng quyền có thể bị mất theo thời gian, theo đó thời gian đáo hạn càng dài thì khả năng xảy ra biến động giá tài sản cơ sở càng cao, dẫn đến ảnh hưởng đến giá của chứng quyền cao. Ngược lại, khi thời gian đáo hạn chứng quyền ngắn thì khả năng xảy ra biến động giá tài sản cơ sở thấp, dẫn đến giá của chứng quyền thấp. Do đó, nhà đầu tư không nên xem chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm có thể nắm giữ với mục đích đầu tư dài hạn.
Thứ tư, Một rủi ro khác mà nhà đầu tư cần quan tâm đó chính là khả năng tài chính của tổ chức phát hành. Theo đó, nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán sẽ dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn.
Việc triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán, bên cạnh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ nhà đầu tư sẽ có thêm lựa chọn, công cụ đầu tư. Tuy nhiên, để tận dụng hết các lợi điểm cũng như hạn chế các rủi ro của sản phẩm này, các nhà đầu tư nên trang bị kiến thức để trở thành những nhà đầu tư am hiểu về sản phẩm trước khi quyết định đầu tư.
CK