Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội cho hoạt động XK hàng hóa của các DN.
>>>Xem thêm DỊCH VỤ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI ĐÀ NẴNG<<<
Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số và được đánh giá là nước có tốc độ phát triển kinh tế số khá trong khu vực ASEAN.
Theo thống kê của Nielsen Việt Nam và Tập đoàn Miniwatts Marketing, 85% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, xếp thứ 13 trong 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam dành bình quân 7 tiếng một ngày cho hoạt động trực tuyến. 90% dân số ở thành thị và 50% dân số ở nông thôn dùng điện thoại thông minh. Doanh thu TMĐT năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Việt Nam đang nằm trong top 3 thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau Thái Lan và Singapore. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự báo đến năm 2020 doanh thu TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT và kinh tế số, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng, TMĐT đang là một trong 3 động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động XK ở Việt Nam. Trong đó, thị trường châu Á được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho các hoạt động XK thông qua TMĐT với hơn 60% dân số thế giới và là khu vực ưu tiên cho di động với lượng người dùng tương tác cao với điện thoại di động hơn các khu vực khác. Châu Á đang được xem là cái nôi phát triển TMĐT hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc. Với xu hướng mua sắm đa kênh, các DN cần nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến để khai thác thị trường tiềm năng này.
Trên thực tế thời gian qua, TMĐT đã giúp nhiều DN Việt mở rộng hoạt động XK ra thị trường nước ngoài. Điển hình, thông qua TMĐT, Công ty XNK đồ mỹ nghệ Love Nature đã XK được sản phẩm không chỉ sang các thị trường Đông Nam Á mà còn sang thị trường châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ...
Ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hello5 cũng cho biết, các đây 7 năm sản phẩm cà phê Hello5 đã vào được thị trường Mỹ thông qua kênh phân phối của Amazon. Khi chương trình của Amazon Global Seliing tiếp cận thị trường Việt Nam, công ty đã bắt đầu xuất khẩu hàng qua Mỹ. Sau một thời gian doanh số bán hàng bắt đầu tăng lên, hiện nay hầu như ngày nào Công ty cũng nhận được thông báo từ Amazon về việc triển khai bán hàng.
Thận trọng rủi ro trong giao dịch
Theo ông Trần Tấn Thiện, TMĐT phát triển mạnh mang lại nhiều thuận lợi cho hoạt động XK của các DN nhưng cũng có thêm các rủi ro. Theo đó, các DN nên nắm chắc đối tác, tổ chức đó có uy tín hay không. Chẳng hạn mỗi ngày DN nhận nhiều tin nhắn, email từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, cũng có tin giả mạo, hay có những nick ảo tạo nên để lấy like, câu view… DN phải luôn luôn phòng ngừa. Nếu không yên tâm tốt nhất DN nên kiểm tra lại, không an toàn thì loại bỏ.
Theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng Internet, các DN Việt Nam đã và đang sử dụng Internet rất nhiều và phổ biến để giao kết hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2018, đã có 28% số DN thực hiện giao dịch TMĐT.
Liên quan đến những bất lợi trong TMĐT, ông Châu Việt Bắc cho biết, giao dịch thông qua công cụ điện tử, đảm bảo các thông tin được lưu trữ tự động, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển chứng từ, văn bản giữa các bên. Tuy nhiên, bất lợi là không kiểm soát được về tính chính xác của các công cụ trao đổi: email, fax…, không kiểm soát được về thẩm quyền của người làm việc qua các công cụ trao đổi nên dễ phát sinh rủi ro trong giao dịch.
Hiện nay, chứng cứ điện tử hầu như được chấp nhận tại tòa án và trọng tài và đang trở thành xu hướng phổ biến. VIAC trong 26 năm hoạt động cũng đi theo tiến trình công nghệ số, thực hiện giải quyết các tranh chấp các vụ việc có hệ quả phát sinh từ yếu tố điện tử như chứng từ, giao dịch email,… xây dựng tiến trình quản lý giải quyết tranh chấp bằng công cụ điện tử; áp dụng việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức online.
“Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử không bị phủ nhận ở hầu hết quy định của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực hiện giao dịch có yếu tố “số hóa” thì phải áp dụng công cụ số an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng, những giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua văn bản nhằm đảm bảo yêu cầu về chứng cứ chứng minh. Mặc dù sự phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và yếu thế khi phát sinh tranh chấp”, ông Châu Việt Bắc khuyến cáo.