Chỉ trong vòng 20 ngày cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt mức kỷ lục, lên đến 1,58% – gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng của hai tháng đầu năm.
>>>Xem thêm THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<
Câu hỏi đặt ra là vì sao tín dụng vừa qua lại tăng trưởng nhanh đến như vậy? Liệu đà tăng trưởng này có được duy trì và cả năm sẽ như thế nào?
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, một số ngân hàng đã có sẵn tín dụng, khi đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm “quota” nên đã đẩy mạnh tín dụng ra thị trường. Đó chính là lý do khiến tín dụng tăng trưởng “thần tốc” ngay trong nửa cuối tháng 6.
20 ngày bằng hai tháng
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 của toàn hệ thống là 14%.
Đáng chú ý, trước đó, NHNN cập nhật số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng đến 10/6 đạt 5,75%; số liệu từ Tổng cục Thống kê tại ngày 18/6 là tăng 6,22%. Như vậy, con số đạt được 7,33% vào cuối tháng là rất ấn tượng, cho thấy có sự tăng tốc đáng kể trong nửa cuối tháng.
Căn cứ vào những số liệu trên, chỉ trong vòng 20 ngày, tín dụng toàn ngành tăng thêm 1,58% – mức khá cao, gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng của hai tháng đầu năm.
Theo thống kê của NHNN, vào thời điểm cuối năm 2018, số dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước khoảng 7,2 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng 5,75% tại thời điểm 10/6, lượng vốn mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bơm ra nền kinh tế trong gần nửa đầu năm khoảng 415.000 tỷ đồng.
Xét về tỷ lệ phần trăm, tín dụng tăng trưởng không nhiều, nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn. Do đó, một số ý kiến cho rằng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt 14%, có thể dự báo năm nay sẽ cán mốc từ 900.000 đến 1 triệu tỷ đồng.
Như vậy, ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế và kiểm soát hợp lý gia tăng tín dụng sẽ là một thách thức đối với cơ quan quản lý ngành. Điều quan trọng là dòng tiền chảy vào đâu mới thúc đẩy được tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm 2019.
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy hiện nay, dư nợ cho ngành chăn nuôi lợn khoảng 51.000 tỷ đồng, dư nợ bị tác động do thiệt hại dịch tả lợn vừa qua là 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành ngân hàng đã giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng cho vay lúa gạo vụ đông xuân để hỗ trợ bà con nông dân sản xuất.
Ba yếu tố hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng
Theo đánh giá của các chuyên gia, 6 tháng còn lại, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay nhờ ba yếu tố. Đó là yếu tố vụ mùa; nhiều ngân hàng sẽ được “thưởng” thêm chỉ tiêu tín dụng và thanh khoản ngân hàng dồi dào.
Theo phân tích của chuyên gia Cấn Văn Lực, thường vào cuối mỗi quý, đặc biệt là cuối giai đoạn 6 tháng đầu năm, các ngân hàng, doanh nghiệp đi vay sẽ chốt hợp đồng, chốt sổ sách để đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh nửa năm, tạo đà cho những tháng cuối năm. Do đó, nhu cầu về vốn sẽ tăng cao.
Trong khi đó, sang quý III, một số ngân hàng đạt chuẩn Basel II đã sử dụng gần hết room tín dụng ở quý I sẽ nhận “phần thưởng” từ NHNN, nên sẽ đẩy mạnh tín dụng ra thị trường.
Ngoài ra, dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II không chỉ dừng lại ở 9 ngân hàng như hiện tại mà sẽ còn tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN cũng sẽ phải cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các nhà băng đó.
“Dòng tín dụng được cấp thêm này tiếp tục đẩy nguồn vốn cho vay của toàn hệ thống tiếp tục và sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng 14% của cả năm”, một chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, thanh khoản ngân hàng luôn ổn định. Các ngân hàng luôn duy trì mức lãi suất hợp lý để hút nguồn vốn trong cư dân. Cùng với đó, các nhà băng đã mua lại một lượng lớn trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại danh mục đầu tư và dự phòng thanh khoản. Điều này cho thấy nhà băng đã chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, một số ngân hàng có quy mô nhỏ bị áp lực huy động vốn ở kỳ hạn trung và dài hạn vẫn tiếp tục tăng lên bởi hai lý do. Một là hệ thống đang phải theo lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; hai là để tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn Basel II.
“Tuy nhiên, điều này cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế”, một chuyên gia nhìn nhận.