Ứng dụng công nghệ mới phù hợp với hoạt động của kinh tế chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực thuế, ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của kinh tế chia sẻ.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<
 
ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh tế

Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được thực hiện với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Đề án cũng nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Nội dung của Đề án thể hiện quan điểm ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới. Không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ. Quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời nâng cao mô hình nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa thất thoát thuế, lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Đề án nêu lên các nhóm giải pháp về thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp và Nhà nước.

Trong đó, Đề án nhấn mạnh Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống bằng cách rà soát, bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng chung cho kinh tế chia sẻ. Xây dựng các chính sách tạo sự chủ động phát triển kinh tế chia sẻ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để phù hợp với các hoạt động của kinh tế chia sẻ, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm giữa các bên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý mô hình kinh doanh này.

Cơ quan nhà nước phải xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các hộ kinh doanh; tăng cường các giải pháp về thanh kiểm tra; nâng cao năng lực quản lý nhà nước bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức, đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao Bộ Tài chính triển khai ứng dụng công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực thuế, ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế phù hợp với hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương trong kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan thuế và phối hợp trong quản lý thuế.