Thay vì thuế suất 20%, doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ sẽ được giảm thuế xuống còn 15 – 17%.
>>>Xem thêm THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<
Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH DV - TM Tài Trí (Quận 9) cho biết, nhiều năm nay kể từ khi thành lập với tổng số vốn vỏn vẹn dưới 3 tỷ đồng, đến nay công ty vẫn duy trì quy mô của một DN nhỏ không quá 10 nhân sự tham gia đóng BHXH, còn lại là lao động hợp đồng, thời vụ.
Với bộ máy khá tinh gọn, hiệu quả này, doanh thu hàng năm của Công ty Tài Trí được duy trì ổn định, tăng trưởng đều đặn. Chính vì vậy, dù đã nhiều lần suy nghĩ đắn đo, song ông Trí vẫn quyết định không mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh mà chỉ duy trì ở mức độ phù hợp, vừa phải.
Câu chuyện về những DN không “chịu lớn” kiểu như thế này không phải là hiếm, tuy nhiên, đây cũng chưa hẳn là cách lựa chọn tốt nhất của tất cả các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam.
Theo thống kê, tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số DN và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%. Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 7 tháng vừa qua còn có 24,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 9,3 nghìn DN, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước
Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những lý do dẫn đến giải thể hoặc tạm dừng kinh doanh của DN bao gồm nhiều khó khăn do năng lực cạnh tranh thấp của sản phẩm, không tìm được thị trường phù hợp, khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính và lao động hạn chế...
Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù phát triển năng động, khu vực tư nhân trong nước vẫn chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới 98% tổng số các DN. Chính khu vực này tạo ra phần lớn việc làm cho nền kinh tế và chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến đơn giản, dịch vụ như nhà hàng, buôn bán nhỏ lẻ và nhìn chung đều có năng suất tương đối thấp, cũng như tập trung vào khai thác thị trường trong nước, chỉ có rất ít tham gia xuất khẩu.
Chính vì quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản trị yếu, nhất là báo cáo tài chính thường không minh bạch, rõ ràng dẫn đến khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ kém, khiến cho không ít DN dù có mơ ước trở thành DN lớn hơn, thậm chí vươn ra khu vực, thế giới khó trở thành hiện thực.
“Chính vì vậy, để hỗ trợ cho các DN tư nhân, quan trọng nhất vẫn là phải tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi DN ở bất cứ quy mô, lĩnh vực, ngành nghề nào, nhằm củng cố, tạo điều kiện cho mọi DN đều có khả năng tiếp cận công bằng các yếu tố sản xuất kinh doanh như đất đai, thuế, tín dụng, lao động và công nghệ” – một chuyên gia phân tích.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo trình Chính phủ về việc xây dựng một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hỗ trợ, phát triển DNNVV. Điểm đáng chú ý tại dự thảo này là đưa ra một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN. Cụ thể, nhóm DNNVV được giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Theo đó, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người. Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh...
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo này của Bộ Tài chính đưa ra nhằm tạo thêm sức cạnh tranh, nâng cao năng lực cho DN nhỏ và siêu nhỏ trong nước, tạo động lực để các DN gia tăng thêm lợi nhuận, tích tụ tài sản từ đó dần phát triển quy mô, vươn lên trở thành DN vừa và lớn.
Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào việc ưu đãi thuế này, mà quan trọng nhất, các DN nhỏ và siêu nhỏ cần tận dụng khả năng, thế mạnh của bản thân là sự năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt thì những chính sách kịp thời mà Chính phủ đưa ra sẽ là sự động viên, khuyến khích lớn để các DN phát triển. Nhất là khi những chính sách này được ban hành đồng bộ cùng với những chủ trương ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, giúp DN nhỏ và siêu nhỏ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ một cách hiệu quả nhằm nâng cao sức cạnh tranh.