Hướng dẫn chế độ tài chính với chương trình, dự án tài chính vi mô

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 37/2019/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính đối với chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/8/2019.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Thông tư 37/2019/TT-BTC quy định vốn thực hiện chương trình, dự án TCVM bao gồm vốn do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ giao, cấp cho chương trình, dự án TCVM; vốn góp của các tổ chức, cá nhân (nếu có); vốn viện trợ, tài trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân.

Vốn huy động dưới các hình thức nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô theo quy định của chương trình, dự án TCVM. Tổng mức tiền gửi tiết kiệm tự nguyện không vượt quá 30% tổng vốn được cấp của chương trình, dự án TCVM. Vốn cũng được huy động dưới hình thức vốn nhận uỷ thác cho vay vốn của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận vốn tài trợ, viện trợ không hoàn lại, có hoàn lại của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Vốn khác theo quy định của pháp luật.

Chương trình, dự án TCVM có trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn, tài sản của chương trình, dự án TCVM theo quy định của pháp luật và một số hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 37/2019/TT-BTC. Chương trình, dự án TCVM theo dõi, hạch toán độc lập đối với vốn, tài sản khác của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.

Thông tư quy định chương trình, dự án TCVM thực hiện hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của chương trình, dự án TCVM.

Đối với những tài sản đi thuê, chương trình, dự án TCVM có trách nhiệm quản lý, bảo quản hoặc sử dụng theo thoả thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Việc trích lập và sử dụng dự phòng đối với các khoản cho vayđược thực hiện theo quy định đối với tổ chức tài chính vi mô.

Doanh thu của chương trình, dự án TCVM sẽ bao gồm: thu từ lãi và các khoản thu nhập tương tự; thu từ hoạt động dịch vụ; thu từ chênh lệch tỷ giá; thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được hạch toán vào thu nhập; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Việc ghi nhận và hạch toán doanh thu, thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Với thu lãi từ hoạt động cho vay vi mô, chương trình, dự án TCVM hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản cho vay trong hạn. Đối với số lãi phải thu của các khoản cho vay quá hạn, chương trình, dự án TCVM không phải hạch toán thu nhập mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Thu từ nhận tài trợ không hoàn lại để thực hiện các chương trình phát triển, các hoạt động của chương trình, dự án TCVM ngoài các khoản thu hộ, chi hộ là số tiền thực tế thu được tại thời điểm nhận tài trợ.

Đối với các khoản thu về chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ và vàng, chương trình, dự án TCVM thực hiện ghi nhận theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật có liên quan.

Đối với doanh thu từ các hoạt động còn lại, doanh thu là toàn bộ tiền bán sản phẩm, hàng hoá, cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ được khách hàng chấp nhận thanh toán không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

Đối với các khoản doanh thu phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì chương trình, dự án TCVM hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Thông tư 37/2019/TT-BTC cũng xác định chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí của chương trình, dự án TCVM là các khoản chi phí phải chi thực tế phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động kinh doanh của chương trình, dự án TCVM.

Các chi phí được ghi nhận vào chi phí kinh doanh của chương trình, dự án TCVM phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí và có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Chương trình, dự án TCVM không được hạch toán vào chi phí các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ. Việc xác định và hạch toán chi phí được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan.

Về phân phối lợi nhuận, Thông tư 37/2019/TT-BTC quy định lợi nhuận còn lại của chương trình, dự án TCVM sau khi thực hiện bù đắp lỗ năm trước (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật do chương trình, dự án TCVM quyết định nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không được chia hoặc sử dụng cho các hoạt động không phải là hoạt động tài chính vi mô dưới bất kỳ hình thức nào.