Quản lý rủi ro về thuế kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Trong bối cảnh nhận thức và phương pháp áp dụng cơ chế quản lý rủi ro (QLRR) trong công tác quản lý thuế còn chưa thống nhất, chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về QLRR và đưa ra các giải pháp áp dụng tại Việt Nam là cần thiết, giúp cơ quan thuế phân loại, xác định chính xác người nộp thuế (NNT) có mức độ tuân thủ thấp, khả năng gian lận cao để tập trung nguồn lực xử lý, qua đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT.

>>>Xem thêm  Thành lập Công ty tại Đà Nẵng ;  DỊCH VỤ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Kinh nghiệm quốc tế

Phó Vụ trưởng Phụ trách Ban QLRR của Tổng cục Thuế - ông Bùi Khánh Toàn cho biết, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa rủi ro về thuế là những tổn thất có thể xảy ra phát sinh từ các hoạt động không tuân thủ pháp luật thuế trong một môi trường, hoàn cảnh cụ thể. Rủi ro về thuế có ở tất cả các hoạt động từ xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý của cơ quan thuế đến việc chấp hành nghĩa vụ của NNT. QLRR về thuế được hiểu là quá trình nhận diện, đánh giá, phân tích trên cơ sở thu thập các thông tin, hệ thống tiêu thức và phương pháp đánh giá rủi ro, để phân loại, xác định các nhóm NNT có mức độ rủi ro cao về thuế, từ đó lập kế hoạch xử lý, trọng tâm là áp dụng các biện pháp về tuyên truyền hỗ trợ, thanh tra và quản lý nợ thuế với mục tiêu tăng cường tính tuân thủ tự nguyện của NNT.

Có thể nói, nguyên lý và các tiêu chuẩn QLRR về thuế là thống nhất và được rất nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế xã hội, đặc trưng của hệ thống thuế mà mỗi nước có những cách thực hiện khác nhau. Điển hình như Australia, để quản lý tốt các DN siêu nhỏ (doanh thu dưới 2 triệu AUD/năm) cơ quan thuế đã chỉ ra 4 trụ cột để xác định rủi ro tuân thủ là: không kê khai, thời hạn tuân thủ (kê khai không đúng hạn), không nộp thuế, không đăng ký thuế; đồng thời, phân tích và xác định các nguyên nhân chính dẫn đến việc không tuân thủ trong từng phân đoạn. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế xây dựng chiến lược giải quyết các nguyên nhân chính dẫn đến không tuân thủ; phân bổ nguồn lực thực hiện; theo dõi, báo cáo, đánh giá và lặp lại các bước này hàng năm. 

Tại Anh, mỗi năm cơ quan thuế tiếp nhận khoảng 2,5 triệu tờ khai thuế GTGT, trong đó số thuế đề nghị hoàn khoảng 40 tỷ Bảng. Do số lượng NNT đề nghị hoàn thuế lớn, nên cơ quan thuế Anh đã xây dựng ứng dụng tự động phân tích và phân loại hồ sơ hoàn thuế theo 4 nhóm: rủi ro thấp, rủi ro vừa, rủi ro cao và rủi ro đặc biệt. Ứng dụng này phân tích hồ sơ hồ hoàn thuế theo 18 tiêu chí khác nhau và dựa trên 84 tham số đã được mã hoá. Thông qua ứng dụng phân tích rủi ro, mỗi năm cơ quan thuế Anh đã loại trừ khoảng 144 nghìn hồ sơ hoàn thuế (tương đương 6%). Ngoài ra, sau khi phân tích hồ sơ hoàn thuế trên ứng dụng, nếu cơ quan thuế thấy vẫn còn nghi vấn về kết quả phân tích sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp tại trụ sở của NNT.

Thái Lan cũng là nước châu Á áp dụng QLRR trong quản lý thuế từ rất sớm. Ngay từ những năm 2001, cơ quan thuế Thái Lan đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro tuân thủ, thông qua việc triển khai xây dựng trung tâm giám sát, thanh tra. Từ đó đến nay, cơ quan thuế còn xây bộ tiêu chí đánh giá rủi ro của DN theo các sắc thuế gồm 145 tiêu chí. Bên cạnh đó, Thái Lan rất chú trọng thông tin phục vụ việc đánh giá rủi ro được tổng hợp trên cơ sở dữ liệu hồ sơ về NNT, từ các trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu về đầu tư, hải quan, điện lực, ngân hàng thương mại… Theo cơ quan thuế Thái Lan, việc khai thác cơ sở dữ liệu là công cụ hữu hiệu trong quản lý tuân thủ và trong cả phân tích và tính điểm rủi ro. 

Bài học cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm quốc tế có thể thấy, để áp dụng cơ chế quản lý thuế dựa trên rủi ro, cơ quan thuế Việt Nam phải xây dựng chương trình QLRR tuân thủ tổng thể (TCP) về mức độ tuân thủ của từng phân đoạn NNT. Từ việc đánh giá mức độ tuân thủ của NNT trong từng khâu, chức năng quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ có các giải pháp thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của NNT thông qua các chiến lược, biện pháp xử lý thích hợp như: tuyên truyền, giải thích, hỗ trợ thực hiện, thanh kiểm tra. Việc triển khai và thực hiện TCP nhằm đổi mới phương pháp quản lý thuế của Việt Nam, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của cơ quan thuế vào các lĩnh vực rủi ro theo một hệ thống nhất quán, thúc đẩy tính tuân thủ tự nguyện của NNT. 

Bên cạnh đó, ngành thuế cần tiếp tục hoàn thiện quy định QLRR trong Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn; bổ sung quy định áp dụng quản lý rủi ro ngay từ khâu đăng ký thuế, tạo điều kiện cho cơ quan thuế theo dõi, đánh giá, phân loại NNT ngay từ khâu kê khai; bổ sung thêm quy định thanh, kiểm tra lại khi nội dung kết luận không phù hợp với các chứng cứ thu thập được trong quá trình phân tích đánh giá rủi ro. Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện áp dụng QLRR có hiệu lực, hiệu quả theo thông lệ quốc tế, ngành thuế cần nghiên cứu xây dựng hệ thống QLRR được tổ chức theo 3 cấp: Vụ Quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục Thuế; bộ phận QLRR thuộc phòng thanh, kiểm tra ở cấp cục thuế và đội thanh, kiểm tra chi cục địa phương có công chức được giao nhiệm vụ QLRR. 

Bổ sung thêm, Phó vụ trưởng Phó ban Cải cách Tổng cục Thuế Hoàng Thị Lan Anh cho rằng, cần nghiên cứu thêm các biện pháp quản lý trong nền kinh tế số và giải pháp để tăng cường phối hợp thông tin giữa các cấp, các ngành nhằm cập nhật đầy đủ dữ liệu về NNT. Đặc biệt cần có nghiên cứu để kết hợp việc QLRR với các chức năng khác của cơ quan thuế, tránh chồng lấn, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vừa tạo thuận lợi cho DN.