Nhằm tạo lập cơ sở pháp lý, thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong quản lý thuế, cũng như nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế (NNT), Luật Quản lý thuế sửa đổi dành cả chương 2 quy định về nội dung công tác phối hợp.
>>>Xem thêm THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<
Trong Luật Quản lý thuế trước đây, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan được bố trí ở một số điều trong các chương khác nhau. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, Luật Quản lý thuế sửa đổi thiết kế chương riêng (Chương 2) về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế thực hiện việc thu nộp, cũng như kết nối chia sẻ thông tin để quản lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Đó là các bộ Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước, Viện Kiểm sát, Toà án, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, HĐND, UBND các cấp, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, hội đồng tư vấn thuế xã, phường, ngân hàng thương mại và cơ quan thông tin, báo chí. Các điều khoản tại Chương 2 được thiết kế theo hướng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan.
Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, Điều 23 quy định các cơ quan này trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan thuế. Quy định như vậy nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đảm bảo tính bảo mật nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Trong sự phối hợp với cơ quan công an, Điều 15 quy định Bộ Công an có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các hồ sơ do cơ quan quản lý thuế phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thuế chuyển đến, tiến hành điều tra, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự hoặc đình chỉ điều tra vụ án thì thông báo cho cơ quan quản lý thuế biết rõ lý do và chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý thuế giải quyết theo thẩm quyền.
Đồng thời, để nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung quy định, trong trường hợp Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước trực tiếp thanh tra, kiểm toán NNT, nhưng NNT không đồng ý với nội dung kết luận nghĩa vụ thuế phải nộp thì có quyền khiếu nại. Nếu các cơ quan này không trực tiếp thanh tra, kiểm toán đối với NNT, mà thực hiện tại cơ quan thuế thì NNT được nhận bản trích sao có kết luận liên quan đến nghĩa vụ thuế của mình. Trường hợp NNT không đồng ý với nội dung kết luận cần có văn bản đề nghị cơ quan thuế, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế xác định chính xác nghĩa vụ thuế của NNT và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về những quy định mới này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là sự sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với sự phát triển của hoạt động kinh doanh trong tình hình mới. Mặc dù trước đó đã có các quy định quản lý, nhưng sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ khiến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, hướng dẫn quản lý thuế thông qua các hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế của các giao dịch xuyên biên giới. Những quy định này phải đảm bảo không làm cản trở hoạt động của người nộp thuế, không làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, mà sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế còn giúp NNT thuận tiện hơn, giảm hồ sơ, thủ tục trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, từ đó giảm thêm thời gian và chi phí cho DN. Không chỉ vậy, sự phối hợp còn tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế được chính xác, đúng quy định của pháp luật về thuế, đảm bảo thực thi pháp luật được thống nhất, tạo sự đồng bộ giữa Luật Quản lý thuế sửa đổi và pháp luật có liên quan.
thành lập công ty tại đà nẵng, dịch vụ thành lập công ty tại đà nẵng, thủ tục thành lập công ty