(TCT online) - Số thu thuế TNCN trên địa bàn TP HCM năm 2018 đạt 34.573 tỷ đồng, chiếm trên 13% trong cơ cấu thu NSNN của Cục thuế TP HCM (269.078 tỷ đồng), chiếm 37% so với tổng số thu thuế TNCN cả nước. Năm 2019, xác định đây là nguồn thu quan trọng, Phòng Quản lý thuế TNCN (Cục Thuế TP HCM) đã phân tích và đưa ra các biện pháp nhằm quản lý, kiểm tra và khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn thu này.
Trong chương trình hỗ trợ người nộp thuế (NNT) quyết toán thuế TNCN năm 2018 vừa diễn ra từ ngày 18/3 đến 1/4/2019, Cục Thuế TP HCM đã tiếp nhận tổng số 13.273 hồ sơ. Trong đó, có 5.817 hồ sơ NNT phải nộp thêm vào NSNN số tiền thuế gần 280 tỷ đồng; 6.892 hồ sơ đề nghị hoàn số tiền hơn 46 tỷ đồng; hơn 564 hồ sơ bù trừ chuyển kỳ sau, với số tiền trên 9,1 tỷ đồng.
Theo phân tích của Phòng Quản lý thuế TNCN, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, số lượng người có thu nhập cao ngày càng tăng, đối tượng nộp thuế, hình thức thu nhập của người lao động cũng ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, tình trạng các cá nhân lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý thuế để thực hiện các hành vi gian lận, trốn lậu thuế gây thất thu cho NSNN ngày càng nhiều. Để hạn chế tình trạng này, từ thực tế công tác quản lý, Phòng Quản lý thuế TNCN đã đúc kết cách phát hiện, nhận diện rủi ro thành những lưu ý trong thanh kiểm tra thuế TNCN. Cụ thể, qua phân tích cơ cấu số thu từ 10 loại thu nhập của thuế TNCN tại TP HCM thì thu nhập từ tiền lương, tiền công chiếm 74% tổng số thu thuế TNCN năm 2018. Do đó, cơ quan thuế cần tập trung khai thác ở lĩnh vực tiền lương, tiền công để tăng nguồn thu cho NSNN. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý hồ sơ, cán bộ thuế cần lưu ý những sai sót thường gặp trong kê khai, chỉ kê khai tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công mà không kê khai các khoản thu nhập khác, nhất là các khoản nhận ở nước ngoài. Riêng các DN liên doanh, DN đầu tư nước ngoài, nhà thầu nước ngoài thường cố tình lập lờ khi cung cấp, khai báo lương của người nước ngoài trong hợp đồng lao động. Vì thế, cơ quan thuế cần thu thập đầy đủ thông tin của NNT để xây dựng cơ sở dữ liệu, sau đó phân tích, đánh giá và phân loại theo mức độ rủi ro để lựa chọn đối tượng cần kiểm tra, thanh tra.
Với những hồ sơ thuộc diện nghi vấn, cán bộ thuế cần tập trung kiểm tra các dấu hiệu liên quan đến giao dịch lớn, bất thường vào cuối năm tài chính; các giao dịch có mâu thuẫn, không giải thích được sự khác biệt trên số dư tài khoản kế toán hoặc báo cáo hoạt động của DN với sổ phụ của ngân hàng; các giao dịch với nhà cung cấp và các giao dịch nợ phải trả khác không được kế toán ghi chép trong sổ sách. Về dấu hiệu gian lận tiền lương, thường phát sinh trong khoản chi lớn cho các đối tượng là thành viên HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát; các khoản thu nhập liên quan đến tiền lương, thưởng chi trả cho cá nhân cao hơn mức TNCN trung bình cùng ngành nghề, lĩnh vực; gia tăng chi phí hoa hồng…
Liên quan đến quy trình kiểm tra thuế TNCN theo Quyết định 746/QĐ-TCT, Tổng cục Thuế quy định: “Riêng đối với thuế TNCN thì áp dụng phần mềm quản lý thuế TNCN để phát hiện rủi ro trong hồ sơ khai thuế, cá nhân có thu nhập từ 2 nơi trở lên chưa được khấu trừ thuế, không tự quyết toán thuế theo quy định”. Trên thực tế, phần mềm quản lý thuế cũng không đủ dữ liệu để kiểm tra giám sát. Mặt khác, Quyết định 746 áp dụng chủ yếu cho DN, còn đối với cá nhân thường gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Phòng Quản lý thuế TNCN kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sớm hoàn thiện quy trình áp dụng riêng cho kiểm tra thuế thu nhập của cá nhân. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thu nhập chịu thuế của người nước ngoài làm cơ sở để triển khai hiệu quả công tác thanh kiểm tra. Kết quả thanh kiểm tra, truy thu thuế TNCN cũng cần cập nhật kịp thời vào hệ thống dữ liệu, để phân tích NNT theo mức độ rủi ro. Ngoài ra, cơ quan thuế cần tập trung thanh kiểm tra thuế TNCN liên quan đến lao động người nước ngoài như: khai thác thu nhập phát sinh ở nước ngoài chưa kê khai tại Việt Nam; khai thác hồ sơ liên quan đến hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để xác định quyền thu thuế tại Việt Nam.