Siết chặt đối tượng và điều kiện vay lại vốn vay nước ngoài

Chính phủ sẽ tiếp tục thu hẹp đối tượng và điều kiện cho vay với các nguồn vốn vay nước ngoài về cho vay lại. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính xung quanh nội dung này.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Ông Trương Hùng Long: Ngay sau khi Luật Quản lý nợ công sửa đổi được thông qua, Bộ Tài chính đã tham mưu, xây dựng các nghị định hướng dẫn trình Chính phủ ban hành, đồng thời Bộ Tài chính cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể, trong đó có hướng dẫn về quản lý nguồn vốn cho vay lại chính quyền địa phương. Các văn bản pháp luật ban hành với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ hơn như: Tăng tính hiệu quả của các khoản vay về để sử dụng vốn nợ công; tăng tính công khai minh bạch; tăng trách nhiệm của người sử dụng vốn vay cũng như kiểm soát chặt chẽ trần nợ công;…

Việc vay về cho vay lại chính quyền địa phương và bảo lãnh cũng được siết chặt, cả đối tượng cho vay lại và đối tượng được bảo lãnh. Quan điểm của Chính phủ là không đi vay mang tính thương mại để cho vay lại và chỉ cho vay lại đối với các dự án thực sự thiết thực và nằm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và các dự án quan trọng. 

Việc cho vay lại được siết chặt cũng chia ra làm 2 loại: Vay về cho vay lại nhà nước chịu rủi ro như những công trình dự án trọng điểm, lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước… Những dự án này do các ngân hàng chính sách thực hiện (Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội). 

Đối với những dự án kém ưu tiên hơn có thể tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài thì có thể vay về cho vay lại và cơ quan cho vay lại sẽ chịu rủi ro. Các dự án này sẽ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại.

Trước đây, việc vay về cho vay lại Nhà nước chịu rủi ro hoàn toàn và được thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại, do vậy, sự quan tâm và tính trách nhiệm của người sử dụng vốn không được chặt chẽ. Đối với việc bảo lãnh cũng vậy, hiện nay, Nhà nước hạn chế, thậm chí dừng việc bảo lãnh vay nước ngoài.

Bên cạnh đó, tính công khai minh bạch cũng được thể hiện rõ ràng hơn. Trong đó, các dự án vay về cho vay lại đều được kiểm soát dòng tiền, thực hiện tài sản đảm bảo và phải báo cáo về tình hình dự án theo các cấp độ khác nhau. Cả người sử dụng vốn và cơ quan cho vay lại đều phải chịu trách nhiệm đến cùng.

* PV: Vậy khó khăn cho vay lại đối với chính quyền địa phương là gì, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Theo tôi, sau khi Luật Quản lý nợ công triển khai thực hiện gần 1 năm, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ năm 2020 thì việc cho vay lại chính quyền địa phương chịu trực tiếp của 3 luật (Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công), cho nên việc điều chỉnh các luật và các văn bản hướng dẫn sẽ dài hơn. Tính giao thời giữa các văn bản hướng dẫn  không ổn định, mà các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (từ khi xây dựng dự án đến khi hoàn chỉnh thủ tục trong nước, đàm phán ký kết chiếm thời gian rất dài),… nên sẽ khó khăn cho các chủ dự án cũng như các bộ, ngành địa phương thực hiện dự án.

Hiện nay, triển khai Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách, tăng cường an toàn nợ công  và cũng theo tinh thần của Luật Đầu tư công sửa đổi, thì việc tăng tính hiệu quả, tăng trách nhiệm trong việc triển khai các dự án đặt ra nhiều quy định về siết chặt (hạn mức, điều kiện vay, về bội chi, khả năng trả nợ của địa phương,…), nên phải mất nhiều thời gian thẩm định điều kiện vay.

Đặc biệt, khó khăn nhất đối với địa phương là thay đổi thói quen, vì vay nợ chính quyền địa phương là vấn đề rất mới được đặt ra, cũng như khái niệm bội chi của ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các địa phương có ít điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài có nhiều lúng túng trong tổ chức thực thi. Ngoài ra, việc phối hợp với các cơ quan ở địa phương với nhau từ khâu chủ trương, đến triển khai, phối hợp với các nhà tài trợ để giải ngân dự án, tổ chức quản lý thông suốt các kênh thông tin giữa các cơ quan địa phương với nhau còn nhiều vướng mắc. 

* PV: Ông có thể cho biết, tỷ lệ cho vay lại cho các địa phương như thế nào, tổng số cho vay lại hiện nay là bao nhiêu?

Ông Trương Hùng Long: Số cho vay lại địa phương thay đổi liên tục do giải ngân, cũng như do việc trả nợ vốn vay. Đơn cử, trong giai đoạn 2005 - 2015, trong tổng số 45 tỷ USD vốn vay huy động được thì địa phương huy động là 15 tỷ USD, chủ yếu cấp phát là chính, còn vay lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 7%, chủ yếu dành cho các dự án nhỏ và có khả năng thu hồi vốn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, do thay đổi về cơ chế, nghĩa là chia sẻ gánh nặng giữa trung ương và địa phương, cho nên các khoản vay về huy động cho địa phương cũng được chia thành nhiều mức khác nhau. 

Theo tính toán của chúng tôi thì mức độ vay chưa phải là nhiều, từ năm 2018 đến nay, mới có khoảng 160 dự án đang triển khai, phần vay lại thực tế theo dư nợ khoảng dưới 4 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ vay cho các địa phương tùy thuộc vào tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối địa phương. Khung mức dư nợ vay không vượt quá 70%, TP. Hồ Chí Minh không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương (NSĐP) được hưởng theo phân cấp…

Các địa phương khác được vay theo các cấp độ thấp dần như: TP. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ không vượt quá 40% thu NSĐP; các địa phương có số thu NSĐP lớn hơn chi thường xuyên vay không vượt quá 30% số thu NSĐP; các địa phương có số thu NSĐP nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên, tỷ lệ vay không vượt quá 20% số thu NSĐP.

* PV: Xin cảm ơn ông!
Đức Minh