Giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhà nước là cách làm hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để tăng vốn điều lệ đáp ứng quy định về vốn, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và tăng sức cạnh tranh.
>>>Xem thêm THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<
Đã đến hạn
Cùng với chủ trương của Chính phủ về việc nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, tăng vốn vừa là nhu cầu bức thiết vừa là bài toán đau đầu của các NHTMCP, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nhà nước chiếm chi phối.
Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” nêu rõ mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” yêu cầu: “Đến năm 2020, các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II”. Các ngân hàng này bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.
Dù có lịch sử hoạt động lâu đời, quy mô hoạt động lớn với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng, song các NHTMCP nhà nước đang chậm chân trong cuộc đua củng cố nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu nêu trên. Trong số 8 NHTM được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II, chỉ có duy nhất 1 đại diện của NHTM nhà nước là Vietcombank.
Theo khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại 4 ngân hàng nêu trên, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của 4 NHTM nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%).
Thời hạn đáp ứng quy định về vốn không còn dài, trong khi các ngả đường tìm vốn vẫn nhiều khó khăn. Do đó, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông những năm gần đây, các ngân hàng đều xin ý kiến cổ đông về những phương án tăng vốn như: giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Đáng chú ý, một số ngân hàng đã “xoay vốn” bằng cách phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn. Song đến nay, các giải pháp này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Vì lợi ích lâu dài và bền vững
Khi thời hạn đáp ứng các quy định về vốn đang đến gần, áp lực nguồn vốn của BIDV được giải toả đáng kể với việc công bố nghị quyết về giao dịch cổ phiếu với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, BIDV phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank của Hàn Quốc hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ. Tổng giá trị giao dịch hơn 20 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức giá 33.640 đồng/cổ phần. Sau khi giao dịch thành công, vốn Nhà nước tại BIDV sẽ giảm từ 95,28% xuống còn trên 80% vốn điều lệ.
Cách tăng vốn nói trên của BIDV được cho là hợp lý nhất trong khi các cách làm khác không mang lại hiệu quả lâu dài và tạo nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng phân tích: “Giữ lại lợi nhuận hoặc phát hành cổ phiếu bằng cổ tức cho cổ đông hiện hữu sẽ làm tăng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ đó, làm chậm lại chiến lược tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung”.
“Nếu có đối tác ngoại tham gia sâu vào hoạt động của NHTM nhà nước, tôi tin là họ sẽ làm cho ngân hàng thay đổi theo hướng tích cực”. TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia |
Trong khi đó, theo vị chuyên gia này, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn trung và dài hạn cũng tiềm ẩn rủi ro về kỳ hạn. Trái phiếu là một công cụ nợ để tạo nguồn vốn bổ sung ở dạng vốn vay cho ngân hàng. Đến thời điểm đáo hạn, ngân hàng buộc phải có đủ nguồn tiền để trả cho trái chủ cả vốn lẫn lãi, khi đó, nguồn vốn bị giảm sút đáng kể và ngân hàng lại phải tìm cách xoay nguồn tiền mới. Do đó, tăng vốn bằng cách bán bớt cổ phần nhà nước là cách làm tốt nhất dù không dễ thực hiện ở thời điểm hiện nay.
Cùng quan điểm này, TS.Đặng Đức Anh - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, tăng vốn bằng việc giữ lại lợi nhuận không mang lại số vốn lớn so với nhu cầu tăng quy mô vốn của các ngân hàng, đồng thời có thể làm chậm tiến trình giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước tại các NHTM và hạn chế sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài không phải là giải pháp có thể thực hiện với Vietinbank bởi ngân hàng này đã vượt giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, ông Hiếu cho rằng, nên tính đến phương án tiếp tục giảm giới hạn sở hữu nhà nước tại các ngân hàng.
“Nếu cổ đông Nhà nước khư khư nắm giữ tối thiểu 65% cổ phần tại các NHTM nhà nước thì hầu như không cổ đông chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài nào mặn mà. Bởi vì, với các nhà đầu tư, việc bỏ vốn mà không nắm quyền chi phối chỉ mang tính chất là đầu tư tài chính. Nếu làm như vậy, có nhiều địa chỉ đầu tư khác hấp dẫn hơn các NHTM nhà nước. Do đó, Chính phủ nên mạnh dạn hạ thấp rào sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống mức để các nhà đầu tư chiến lược có thể nắm cổ phần chi phối ít nhất 51% thì mới thu hút được vốn đầu tư” - ông Hiếu nói.
Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn, sự tham gia của các nhà đầu tư “ngoại” còn giúp các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
“Quan sát cách thức quản trị và hoạt động giữa NHTM nhà nước và NHTM tư nhân trong những năm qua cho thấy, các ngân hàng tư nhân liên tục nâng cao quản trị, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, từ đó, sức cạnh tranh và thị phần của họ trên thị trường được cải thiện tốt. Nếu có đối tác ngoại tham gia sâu vào hoạt động của NHTM nhà nước, tôi tin là họ sẽ làm cho ngân hàng thay đổi theo hướng tích cực” - ông Đức Anh nhấn mạnh.
“Giữ lại lợi nhuận hoặc phát hành cổ phiếu bằng cổ tức cho cổ đông hiện hữu sẽ làm tăng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ đó, làm chậm lại chiến lược tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung”. Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng |